TIN CUỘC SỐNG

Cập nhật tin tức hàng ngày

TIN TỨC

Bác sĩ khuyến cáo loại thuốc không được dùng sau tiêm vắc xin Covid-19: Đặc biệt thuốc mỡ

Sau khi tiêm vắc xin Covid-19, mọi người nên chú ý theo dõi sức khỏe và thực hiện đúng theo lời dặn dò của bác sĩ để tránh điều đáng tiếc xảy ra.

Hiện nay, nước ta đang liên tục triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên khắp các tỉnh thành, đặc biệt là những nơi thuộc vùng dịch. Chính vì vậy, những lưu ý sau khi đi tiêm về là điều được rất nhiều người quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, các bác sĩ đã có lời giải đáp xoay quanh câu hỏi: “Những loại thuốc được dùng và tuyệt đối không được dùng sau khi tiêm vắc xin Covid-19?”


Tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam. (Ảnh: VTC)

Cụ thể, Ths.BS Nguyễn Hiền Minh, Đơn vị Tiêm ngừa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trả lời trên Pháp luật và Bạn đọc cho biết, đa số người sau khi được tiêm chủng về sẽ có một vài biểu hiện phản ứng với thuốc, chẳng hạn như sốt, cánh tay đau nhức, buồn nôn, chóng mặt… Tuy nhiên, đây là những triệu chứng thông thường, vài ngày là sẽ khỏi nên không cần quá lo lắng.

Trong trường hợp này, mọi người có thể sử dụng hoạt chất Acetaminophen 500mg uống 3 lần/ngày hoặc Paracetamol và Panadol, có tác dụng hạ sốt và giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, việc bổ sung thêm vitamin hay điện giải cho cơ thể sau khi tiêm cũng vô cùng cần thiết. Bên cạnh hoa quả tươi, bác sĩ khuyến cáo có thể mua và uống: Upsa C 1g, Berocca, Re-Energize mỗi ngày 1 viên, sau ăn.

Ngoài ra, theo Bác sĩ Chuyên khoa 2 Hoàng Quốc Tưởng – giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM trả lời trên báo Tuổi Trẻ, cần lưu ý thêm nếu dùng thuốc giảm đau hạ sốt thì không được quá 4 gam/ngày và khoảng cách giữa các lần uống phải trên 4 giờ trở lên.


Uống thuốc cũng cần đúng liều lượng. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Ngược lại, những loại thuốc được đưa vào danh sách “tuyệt đối không dùng” sau khi tiêm vắc xin theo Ths.BS Nguyễn Hiền Minh là các loại thuốc đắp từ thảo dược, thuốc mỡ không được kê đơn để bôi lên vị trí tiêm nếu bị sưng tấy và thuốc hóa trị, xạ trị.

Mặt khác, dẫn nguồn từ Sức khỏe & Đời sống, Bộ Y tế lưu ý, chúng ta cũng không nên uống các chất có cồn trong vòng 3 ngày đầu vì nó sẽ gây ức chế miễn dịch, tăng cao khả năng gây biến chứng và phản ứng ngược lại với vắc xin trong cơ thể.


Lưu ý trước và sau khi tiêm vắc xin. (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM)

Ngoài ra, trong hướng dẫn về tập huấn tiêm chủng vaccine Covid-19 tại TP.HCM ban hành ngày 20/6 cũng đã nêu rõ, nếu có các phản ứng hiếm gặp như sưng đỏ, dị ứng, tê bì quanh môi lưỡi, khó thở…và sốt từ 38,5 độ C trở lên mà dùng thuốc vẫn không hạ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Hiện nay, nước ta có tổng cộng 6 loại vắc xin được Bộ Y tế cấp phép đưa vào dụng. Bao gồm: AstraZeneca, Gam-COVID-Vac, Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Spikevax và Janssen.


Vắc xin của Nga. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tiến hành nghiên cứu, phát triển 2 loại vắc xin riêng tên Covivax và NanoCovax. Trong đó, vắc xin Covivax được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá là an toàn, có dấu hiệu tốt và đang bắt đầu triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 từ ngày 10/8.

Còn vắc xin NanoCovax của công ty Nanogen hiện đang tiêm thử nghiệm giai đoạn 3, được Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất cắt giảm các thủ tục để sớm cấp phép và được đưa vào sử dụng thực tế.


Vắc xin “Made in VietNam” có tiến triển tốt. (Ảnh: VnExpress)

Trên đây là một số thông tin hữu ích liên quan đến vắc xin Covid-19 và những lưu ý sau khi tiêm chủng. Hy vọng mọi người cùng chung tay cố gắng để dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

Nguồn: https://www.yan.vn/luu-y-sau-tiem-vac-xin-covid19-loai-thuoc-nao-tuyet-doi-khong-dung-273407.html

Bình Luận

Phản Hồi

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *